Phòng thờ là một khu vực đặc biệt, không thể thiếu trong gia đình theo quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Đây được coi là thế giới tâm linh thu nhỏ, là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng gắn liền với những chuyển biến của đời người như: cúng giỗ tổ tiên, nhập trạch, cưới hỏi, ma chay… hoặc bất cứ khi nào mà con người cần tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ về tổ tiên và những người đã khuất.
Với ý nghĩa như vậy nên phòng thờ, bàn thờ cần được đặt ở vị trí “tọa cát hướng cát” và được bài trí hợp lý, hợp với phong thủy.
VỊ TRÍ ĐẶT PHÒNG THỜ, BÀN THỜ
Theo các chuyên gia phong thủy, phòng thờ là nơi âm – dương giao hòa, nơi giao tiếp giữa những người đang sống và những người đã khuất. Việc bố trí phòng thờ, bàn thờ hợp hướng, hợp vị sẽ giúp kích hoạt tài lộc cho gia trạch một cách hiệu quả.
Với những gia đình có nhà cửa rộng rãi, điều kiện vật chất đầy đủ, phòng thờ nên được bố trí ở một phòng riêng biệt với các phòng khác và có diện tích tương xứng với quy mô ngôi nhà. Nếu nhà chỉ có một tầng trệt, phòng thờ nên được bố trí ở phía sau. Nếu là nhà phố, không gian thờ cúng nên được bố trí ở tầng cao nhất của ngôi nhà để vừa thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm, tránh phạm phong thủy, đồng thời cũng rất thuận tiện cho việc cúng lễ hay hóa vàng. Không nên đặt phòng thờ ở dưới tầng trệt, trong phòng khách bởi không gian bên dưới không thông thoáng, làm giảm tính tôn nghiêm và khó thoát nhang khói.
Theo phong thủy phòng thờ, không gian thờ cúng cần được bố trí ở vị trí cao nhất và đẹp nhất trong nhà để thể hiện lòng thành kính của gia chủ tối với bậc tiền nhân. |
Tại các căn hộ chung cư, diện tích sinh hoạt khá hạn chế. Do đó, các kiến trúc sư thường bố trí khu vực thờ cúng trong cùng không gian với phòng khách, sử dụng các loại bàn thờ treo có kích thước nhỏ. Khi đó, cần chú ý không đặt bàn thờ ở nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp hay gió thổi vào.
Ngày nay, vị trí đặt phòng thờ thực ra không phải tuân theo một quy tắc bắt buộc nào bởi suy cho cùng, việc thờ cúng gắn liền với yếu tố tâm linh của mỗi cá nhân, chịu ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của vùng miền hoặc truyền thống của dòng họ. Tuy nhiên, do phong thủy phòng thờ liên quan đến phúc phần của gia đình nên phòng thờ, bàn thờ đặt ở cung Phục Vị theo Bát trạch là phù hợp nhất.
HƯỚNG PHÒNG THỜ, BÀN THỜ
Hướng ban thờ cũng phải tốt với mệnh chủ, thuộc một trong các hướng Sinh Khí, Diên Niên, Phục Vị, Thiên Y sẽ giúp các thành viên gia đình luôn gặp được những điều may mắn trong cuộc sống cả về tài lộc và sức khỏe. Bên cạnh đó, phòng thờ, bàn thờ nhìn về hướng tượng trưng cho hành tương sinh của bản mệnh thì sẽ có sức phù trợ mạnh mẽ cho chủ nhân hơn. Chẳng hạn, người mệnh Kim thì nên bố trí phòng thờ, bàn thờ nhìn về hướng Tây.
KÍCH THƯỚC, MÀU SẮC BÀN THỜ
Bên cạnh vị trí và hướng bàn thờ, gia chủ cũng cần quan tâm đến kích thước và màu sắc của bàn thờ sao cho hợp các quy tắc phong thủy.
Tại Việt Nam hiện nay có hai loại bàn thờ được sử dụng phổ biến là tủ thờ và bàn thờ gắn tường với kích thước lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc vào diện tích ngôi nhà. Khi chọn mua hoặc thuê người đóng bàn thờ, tủ thờ, bạn hãy chú ý đo đạc chiều rộng, chiều dài và chiều cao tính từ mặt sàn nhà (hoặc mặt đất) tới mép trên của bàn thờ sao cho cân đối, phù hợp với kích thước của ngôi nhà và rơi vào các cung cát của kích thước Lỗ Ban là được.
Về màu sắc, vốn là không gian thờ cúng, cần sự yên tĩnh, tôn nghiêm và ấm cúng nên phòng thờ và bàn thờ hợp với màu trung tính, tức là không quá tối nhưng không quá sặc sỡ, lòe loẹt. Gia chủ nên lựa chọn những màu trầm như màu gỗ, vàng kem hay nâu làm màu sơn chủ đạo và màu cho hoành phi câu đối, bức sơn mài hay sơn son thiếp vàng.
TRANG TRÍ VÀ BÀY BIỆN PHÒNG THỜ, BÀN THỜ SAO CHO ĐÚNG
Gia chủ cần giữ cho không gian thờ cúng luôn ngăn nắp, sạch sẽ, trang nghiêm nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với tổ tiên và các bậc bề trên.
Bàn thờ nên có độ cao phù hợp với tỷ lệ chiều cao của mọi người trong gia đình, không nên làm quá cao để đảm bảo an toàn khi thắp hương, làm lễ, cũng không nên quá thấp vì sẽ dễ va chạm, thiếu sự tôn nghiêm. Nên bố trí thêm bàn vào khoảng trống bên dưới tủ thờ, bàn thờ để thuận tiện sắp xếp đồ cúng lễ khi cần thiết. Nếu có nhiều tầng thờ, cần xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.
Bàn thờ ở gia đình (tính chất Dương) nên cần được trang trí và bày biện nghiêm trang, nhưng không u tịch giống như ở chùa, đền, miếu. Không nên đặt các đồ vật không phải đồ cúng trên bàn thờ. Đèn nến, lọ hoa, bát hương trên bàn thờ cần được bày cân đối với nhau.
VẤN ĐỀ CHIẾU SÁNG TRONG PHÒNG THỜ
Nên cần sử dụng ánh sáng vàng ấm để xoa đi cảm giác u ám, lạnh lẽo, tạo sự ấm cúng, gần gũi và trang nghiêm. Trong phòng thờ chỉ nên có 2, 3 loại ánh sáng, hạn chế lắp nhiều bóng đèn tại đây để không làm ảnh hưởng đến tính chất trang nghiêm của không gian thờ cúng.
Ánh đèn trong phòng thờ cần được bố trí ở vị trí hợp lý để không chiếu thẳng vào mặt người ngồi khi hành lễ. Nếu trong phòng thờ có treo hoành phi câu đối hoặc tranh ở hai bên tường thì nên lắp đặt đèn âm tường ở mỗi bên bức tranh.
MỘT SỐ ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG PHONG THỦY PHÒNG THỜ
Ngoài lưu ý về vị trí, hướng bàn thờ cũng như cách bài trí phù hợp, gia chủ cũng cần tránh một số điều kiêng kỵ dưới đây:
– Không đặt bàn thờ thẳng với cửa chính bởi khi đó, nắng và gió chiếu, thổi thẳng vào sẽ làm bàn thờ bị lộ dương và động gió.
– Hướng bàn thờ không nên ngược với hướng của nhà vì sẽ khiến các thành viên trong gia đình bất hòa.
– Không đặt gương đối diện với bàn thờ bởi gương sẽ tạo ra các hung khí hướng đến bàn thờ.
– Vượng khí trong nhà sẽ suy yếu nếu gia chủ đặt bàn thờ ở bếp đun, sát ban công hoặc đặt dưới, cạnh, dựa lưng vào nhà vệ sinh.
– Không đặt giường ngủ đối diện hoặc cạnh bàn thờ.
– Tránh đặt bàn thờ dưới cầu thang, dưới xà nhà hoặc vị trí tối tăm nếu không muốn sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị sa sút.
– Bên trái bàn thờ cần được giữ gọn gàng, sạch sẽ; bên phải không nên đặt đồ điện vì sẽ phạm vào sát khí Bạch Hổ và có thể dẫn đến những chuyện không may.
– Để đảm bảo tính phong thủy, bàn thờ thường được lập song song với thời điểm nhập trạch. Do đó, ngoài chọn thời gian nhập trạch, cúng tế phù hợp với tuổi gia chủ, cần lưu ý đến thời điểm xuất hiện sao Bát Bạch để hóa giải sát khí trong phòng thờ.
– Người bốc bát hương nên là nam gia chủ trong gia đình và phải thực sự thành tâm.
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
Chuyển bàn thờ sang vị trí khác trong nhà cần làm những thủ tục gì?
Bạn sẽ cần những kiến thức phong thủy phù hợp để việc di chuyển bàn thờ ...
LUẬN TỬ VI NĂM 2020 CỦA 12 CON GIÁP : TÀI LỘC, SỰ NGHIỆP VÀ TÌNH DUYÊN
Vận hạn mỗi năm mỗi khác, vì vậy xem bói tử vi 2020 (tức năm ...
Phong thủy phòng thờ: Những điều cần biết để mang lại may mắn, thịnh vượng cho gia đình
Phòng thờ là một khu vực đặc biệt, không thể thiếu trong gia đình theo ...
Cách đặt bàn thờ Thần tài hợp lý để một năm “mưa thuận gió hòa”
Việc đặt ban thờ Thần tài là điều được coi trọng nhất và thường được ...